Theo đánh giá của trang Vietnam-Briefing, Việt Nam đang được xem là thiên đường dành cho những người yêu bia thủ công ở Đông Nam Á, thu hút hàng loạt các đơn vị làm bia.
Bức tranh toàn cảnh
Việt Nam là nước tiêu thụ bia nhiều nhất thị trường Đông Nam Á. Năm 2022, lượng bia Việt Nam chiếm 2,2% tổng lượng toàn cầu, với mức cụ thể là 3,8 triệu kilo lít mỗi năm.Thị phần có cả thương hiệu nội địa và thương hiệu quốc tế, với những cái tên nổi bật như Heineken, Carlsberg, Sapporo Breweries, Tập đoàn Bia và Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tập đoàn Bia và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Nói như vậy không có nghĩa là ở Việt Nam không còn chỗ cho bia thủ công made-in-Vietnam. Thay vào đó, ngành công nghiệp bia thủ công ở Việt Nam không chỉ bùng nổ mà còn đem đến hương vị “cây nhà lá vườn”.
Việt Nam trở thành “địa bàn” của bia thủ công?
Các công thức bia thủ công ở Việt Nam rất đa dạng nhờ lợi thế về địa lý. Cụ thể, Việt Nam có nhiều hương liệu và trái cây, chẳng hạn sả, chanh dây, củ cải đỏ, cà phê hoặc ca cao. Đây đều là những nguyên liệu thường được dùng để ủ bia thủ công. Điều này cho phép các hãng bia không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, từ đó giảm chi phí đầu vào và có một mức giá bia cạnh tranh hơn.
Việc truyền bá các sản phẩm địa phương cũng giúp các hãng bia Việt Nam có điểm khác biệt so với những đối thủ khác. Chẳng hạn khi tham gia Giải Vô địch Bia Châu Á 2021, Việt Nam giành được 4 huy chương vàng, ngang bằng với Singapore.
Ngoài ra Việt Nam có môi trường pháp lý thoải mái hơn cho các nhà làm bia thủ công, vì họ được phép sản xuất bia theo từng lô nhỏ. Điều này trái ngược với Thái Lan, khi quốc gia này yêu cầu các hãng bia phải sản xuất ít nhất 10.000 lít mỗi năm. Còn Việt Nam chỉ yêu cầu sản xuất ở mức 1.000 lít. Do đó không khó hiểu khi nhiều nhà sản xuất bia quy mô nhỏ ở Thái chuyển sang Việt Nam.
Vận chuyển bia ngược lại từ Việt Nam qua Thái Lan cũng khá dễ dàng, vì hai nước có vị trí địa lý gần nhau. Đó cũng chính là một trong những điểm thu hút các nhà sản xuất bia muốn sản xuất lô nhỏ ở Việt Nam và xuất khẩu sang Thái Lan.
Người Việt thay đổi thái độ với bia
Một trong những yếu tố then chốt của thị trường Việt Nam là nền tảng khách hàng có học vấn cao. Gen Z Việt Nam luôn bắt kịp các xu hướng toàn cầu, đặc biệt với những trải nghiệm thượng lưu như nếm thử rượu vang hoặc thưởng thức bia thủ công. Ngoài ra họ còn muốn tìm hiểu cách thức làm ra những món đồ uống thủ công này.
Tại Việt Nam, bia không chỉ là một món hàng, mà còn là một nét văn hóa của thế hệ trẻ Việt Nam, mà cụ thể là “nhậu”. Hiện nay nhậu không còn là uống say tí bỉ, mà dần hướng đến mục đích “nếm”, “thưởng thức” nhiều hơn.
Đồng thời, giới trung lưu cũng đang ngày càng kén chọn các loại thực phẩm và đồ uống hơn. Khi đó, công thức độc quyền và việc ủ bia tại chỗ của những hãng bia thủ công sẽ thu hút những đối tượng khách hàng này.
Những trở ngại tiềm ẩn
Mặc dù có vẻ rất sáng cửa, thế nhưng thị trường Việt Nam vẫn tồn tại những trở ngại tiềm ẩn.
Bia ở Việt Nam là thị trường tương đối bảo thủ. Mặc dù nhiều ông lớn nhảy vào, nhiều loại bia mới được giới thiệu nhưng tỉ lệ thất bại tương đối cao. Có thể kể đến bia Laser của Tân Hiệp Phát, Sư Tử Trắng của Masan hay bia “phong cách Úc”. Bia thủ công khá mới và cũng khá đắt. Khi có mức giá cao, bia thủ công có thể được gắn nhãn là một mặt hàng cao cấp hoặc xa xỉ, làm tăng giá trị cảm nhận của loại đồ uống này.
Tuy nhiên, mặc dù thị trường bia Việt Nam bị chi phối bởi những ông lớn như Sabeco, Habeco, Heineken hay Carlsberg, bia thủ công vẫn còn miếng bánh của riêng mình, và miếng bánh này ngày càng mở rộng hơn, bởi nhiều yếu tố: sản phẩm độc đáo, điều kiện tốt để sản xuất, và thái độ ngày càng rộng mở đối với bia của giới trẻ Việt Nam.
Nhiều người xem bia thủ công ở Việt Nam là một xu hướng nhất thời, dễ đến rồi dễ đi. Thế nhưng bây giờ chưa thể đánh giá được bất kỳ điều gì, vì đây mới chỉ là bắt đầu.